Bộ luật tố tụng hình sự (Luật số 101/2015/QH13) được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 27/11/2015 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 (sau đây viết tắt là BLTTHS năm 2015). BLTTHS năm 2015 có nhiều sửa đổi, bổ sung để thể chế hóa những quan điểm chỉ đạo của Đảng về cải cách tư pháp và cụ thể hóa những quy định của Hiến pháp năm 2013, là căn cứ pháp lý quan trọng "quy định trình tự, thủ tục tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và một số thủ tục thi hành án hình sự; nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ giữa các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, cơ quan, tổ chức, cá nhân; hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự”.
Mở rộng giới hạn xét xử của Tòa án là một trong những nội dung mới của BLTTHS năm 2015. Theo đó, Tòa án với tư cách là cơ quan được giao thực hiện quyền tư pháp có quyền phán quyết về việc bị cáo đã phạm một tội danh nặng hơn tội danh mà Viện kiểm sát truy tố.
Theo quy định tại Điều 196 BLTTHS năm 2003, Toà án không được xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh mà Viện kiểm sát đã truy tố. Đổi mới quy định về giới hạn của việc xét xử, Điều 298 BLTTHS năm 2015 quy định:
“1. Tòa án xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố và Tòa án đã quyết định đưa vụ án ra xét xử.
2. Tòa án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố.
3. Trường hợp xét thấy cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh Viện kiểm sát truy tố thì Tòa án trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại và thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết; nếu Viện kiểm sát vẫn giữ tội danh đã truy tố thì Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn đó”.
Như vậy, theo quy định của BLTTHS năm 2015, Tòa án không những có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố, Tòa án còn có thể xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn; trường hợp này Tòa án trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại. Nếu Viện kiểm sát vẫn giữ nguyên quan điểm và giữ tội danh đã truy tố thì Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn.
Tuy nhiên, từ thực tiễn công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm cũng thấy rằng còn có những quan điểm khác nhau về quy định "Giới hạn của việc xét xử" từ đó, sẽ thiếu thống nhất trong thực hiện nhiệm vụ của Kiểm sát viên tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự. Trong bài viết này, người viết đề cập đến vấn đề "Tại phiên tòa sơ thẩm, Kiểm sát viên có quyền kết luận về khoản khác với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật?" mà hiện nay có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này.
Theo quy định của BLTTHS năm 2015, việc Tòa án có thể xét xử theo khoản khác trong cùng một điều luật mà Viện kiểm sát đã truy tố thì đã được quy định rất rõ ràng. Tuy nhiên, tại phiên tòa xét xử vụ án hình sự sau khi xét hỏi, nếu có căn cứ rõ ràng để kết luận về khoản khác nhẹ hơn hoặc nặng hơn trong cùng điều luật làm thay đổi quyết định truy tố hoặc đường lối xử lý đã được lãnh đạo Viện kiểm sát cho ý kiến thì Kiểm sát viên có quyền quyết định hay không? Hiện có hai quan điểm:
Quan điểm thứ nhất:Tại phiên tòa sơ thẩm,Kiểm sát viên có quyền kết luận về khoản khác nhẹ hơn hoặc nặng hơn trong cùng điều luật. Vì theo quy định tại Điều 298 BLTTHS năm 2015 thì kết luận và đề nghị của Kiểm sát viên về khoản khác nhẹ hơn hoặc nặng hơn trong cùng điều luật là hoàn toàn nằm trong phạm vi "giới hạn của việc xét xử". Trong quá trình tham gia xét xử hoặc tùy theo diễn biến tại phiên tòa Kiểm sát viên nhận thấy, bị cáo không phạm vào điểm, khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố nhưng phạm vào điểm, khoản khác nhẹ hơn hoặc nặng hơn trong cùng một điều luật, nếu Viện kiểm sát không được thay đổi mà vẫn tiếp tục bảo vệ theo khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trước đó thì không đúng theo nguyên tắc "Xác định sự thật của vụ án" được quy định tại điều 15 BLTTHS năm 2015. Trong khi đó, Tòa án lại có thẩm quyền xét xử theo khoản nặng hơn trong cùng một điều luật khác với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trước đó.
Quan điểm thứ hai: Tại phiên tòa sơ thẩm, Kiểm sát viên không có quyền kết luận theo khoản nặng hơn trong cùng một điều luật khác với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trước đó. Vì BLTTHS năm 2015 không quy định, nếu Viện kiểm sát thay đổi khoản nặng hơn khác với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố, sẽ là vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng (cấp phúc thẩm đã nhận định) và nếu việc Kiểm sát viên kết luận và đề nghị áp dụng khoản nặng hơn trong cùng một điều luật sẽ " làm xấu đi tình trạng của bị cáo". Bởi theo quy định tại điều 219 BLTTHS năm 2015: "Sau khi kết thúc việc xét hỏi, Kiểm sát viên có thể rút một phần hoặc toàn bộ quyết định truy tố hoặc kết luận về tội nhẹ hơn; khoản 3 Điều 321: ".... Đề nghị kết tội bị cáo theo toàn bộ hay một phần nội dung bản cáo trạng hoặc kết luận về tội nhẹ hơn; ".
Từ những phân tích trên và đối chiếu với quy định của BLTTHS năm 2015, theo quan điểm của người viết thì quan điểm thứ nhất là đúng. Vì BLTTHS năm 2015 đã quy định rất rõ ràng về giới hạn của việc xét xử. Theo đó, Tòa án xét xử bị cáo và hành vi mà Viện kiểm sát truy tố, còn về áp dụng khoản trong cùng điều luật và tội danh là do Hội đồng xét xử quyết định sau khi đã "xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của kiểm sát viên, của người bào chữa, bị cáo, bị hại, nhân chứng, nguyên đơn, bị đơn và những người có quyền, lợi ích hợp pháp". Hiến pháp năm 2013 quy định Toà án là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp. Như vậy chỉ có Toà án mới có quyền tuyên bố một người phạm tội hay không phạm tội nào đó đã được quy định trong BLHS. Còn điều, khoản, tội danh mà Viện kiểm sát truy tố đối với bị cáo chỉ là một căn cứ để Toà án đưa vụ án ra xét xử. Khoản 3 Điều 298 BLTTHS quy định: "Trường hợp xét thấy cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh Viện kiểm sát truy tố thì Tòa án trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại và thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết; nếu Viện kiểm sát vẫn giữ tội danh đã truy tố thì Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn đó". Theo quy định trên thì trường hợp Tòa án cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh Viện kiểm sát truy tố mới thuộc trường hợp "làm xấu đi tình trạng của bị cáo" và BLTTHS năm 2015 quy định Tòa án phải trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại và thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết để cho bị cáo thực hiện quyền bào chữa của mình.
Hiện tại thẩm quyền này của Kiểm sát viên được quy định tại khoản 2 Điều 21 Quy chế công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án hình sự (Ban hành kèm theo Quyết định số 505/QĐ-VKSTC ngày 18/12/2017 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao): "2. Tại phiên tòa, sau khi xét hỏi, nếu có căn cứ rõ ràng để rút một phần hay toàn bộ quyết định truy tố hoặc kết luận về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn; kết luận về khoản khác nhẹ hơn hoặc nặng hơn trong cùng điều luật làm thay đổi quyết định truy tố hoặc đường lối xử lý đã được lãnh đạo Viện kiểm sát cho ý kiến thì Kiểm sát viên quyết định và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Sau phiên tòa, Kiểm sát viên phải báo cáo ngay với lãnh đạo Viện kiểm sát. Trường hợp có đủ căn cứ để kết luận về một tội danh khác nặng hơn thì Kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử trả hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát để xem xét và báo cáo lãnh đạo Viện kiểm sát quyết định.".
Chúng tôi cho rằng khoản 2 Điều 21 Quy chế công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án hình sự (Ban hành kèm theo Quyết định số 505/QĐ-VKSTC ngày 18/12/2017 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao) quy định tại phiên tòa sơ thẩm Kiểm sát viên có quyền kết luận về khoản nhẹ hơn hoặc nặng hơn (tình tiết định khung tăng nặng) khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật là hoàn toàn phù hợp, bởi dù có kết luận về khoản nặng hơn khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật thì cũng nằm trong những hành vi theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố, không vượt phạm vi "giới hạn của việc xét xử" và không "làm xấu đi tình trạng của bị cáo" ./.
Nguyễn Văn Tú – Viện KSND huyện Thạnh Phú