Trong tháng 10/2019, Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre đã xét xử phúc thẩm kín đối với bị cáo phạm tội giao cấu với trẻ em theo quy định tại điều 115 Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009); điều đặc biệt bị hại trong vụ án trên là người bị hạn chế năng lực nhận thức và điều khiển hành vi.
Theo như nội dung án sơ thẩm: Trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 8 năm 2017, ông D đã nhiều lần thực hiện hành vi giao cấu với em H (sinh ngày 30/6/2003) dẫn đến mang thai và sinh một bé gái. Tại kết luận giám định pháp y về tâm thầm của Viện pháp y tâm thần trung ương Biên Hòa kết luận em H bị bệnh chậm phát triển tâm thần mức độ nhẹ/ Động kinh. Về năng lực nhận thức và điều khiển hành vi tại thời điểm bị hại và hiện nay đơn sự bị hạn chế về năng lực nhận thức và điều khiển hành vi.
Kết thúc phiên tòa sơ thẩm, về trách nhiệm dân sự Hội đồng xét xử tuyên bị cáo có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho bị hại H số tiền 34.418.500 đồng gồm: chi phí đi lại khám thai, sinh con khám tâm thần và giám định AND có hóa đơn là 2.600.000 đồng; chi phí sinh con là 13.281.500 đồng; tổn thất tinh thần do danh dự nhân phẩm bị xâm hại (10 lần x 1.490.000 đồng) là 14.900.000 đồng; thu nhập bị mất của người chăm sóc bị hại trong thời gian nằm viện và sau sinh con (37 ngày x 100.000 đồng) là 3.700.000 đồng và có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con của H và D từ khi sinh ra (ngày 04/7/2018) cho đến ngày Tòa án xét xử (ngày 02/7/2019) mức cấp dường 1.000.000 đồng/ tháng với số tiền là 14.833.000 đồng. Buộc bị cáo có nghĩa vụ tiếp tục cấp dưỡng cho cháu bé từ ngày 03/7/2019 cho đến khi đủ 18 tuổi theo phương thức cấp dưỡng định kỳ hàng tháng mỗi tháng 1.000.000 đồng.
Không đồng ý với bản án sơ thẩm, đại diện hợp pháp của bị hại đã kháng cáo yêu cầu xét xử bị cáo về tội hiếp dâm trẻ em, tăng tiền bồi thường, tăng tiền cấp dưỡng nuôi con.
Quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ án, Kiểm sát viên và Lãnh đạo đơn vị nhận thấy bị hại là người bị hạn chế năng lực nhận thức và điều khiển hành vi, sinh con khi còn quá nhỏ; bị hại không thể tự lo cho con và bản thân do đó cần phải có sự hỗ trợ của người thân trong thời gian dài mới có thể lo cho đứa bé được do đó cần phải chấp nhận khoản thời gian mẹ của bị hại chăm sóc cho bị hại và đứa bé bằng thời gian nghỉ hậu sản theo quy định của Luật lao động. Đối với khoảng tiền cấp dưỡng: căn cứ vào nhu cầu thiết yếu của cháu bé và khả năng kinh tế, thu nhập của người có nghĩa vụ cấp dưỡng mức cấp dưỡng cấp sơ thẩm tuyên là không phù hợp.
Kết thúc phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử đồng quan điểm với Đại diện Viện kiểm sát buộc bị cáo bồi thường cho bị hại số tiền 46.118.500 đồng (trong đó có tiền bồi thường thu nhập bị mất của người chăm sóc bị hại trong thời gian nằm viện sinh con và sau khi sinh là 180 ngày, được tính là 180 ngày x 100.000 đồng = 18.000.000 đồng); đối với nghĩa vụ cấp dưỡng buộc bị cáo cấp dưỡng cho cháu bé định kỳ hàng tháng số tiền cấp dưỡng mỗi tháng 2.000.000 đồng cho đến khi cháu bé đủ 18 tuổi.
Qua vụ án trên nhận thấy, khi người phụ nữ bình thường sinh con và nuôi con gặp không ít khó khăn thì một đứa trẻ đang tuổi ăn chưa no, lo chưa đủ lại bị hạn chế năng lực nhận thức và điều khiển hành vi; mọi nhu cầu trong cuộc sống đều phụ thuộc vào người thân trong gia đình thì làm sao có thể tự lo cho con từ đó nhu cầu cần phải có người thứ 3 chăm sóc là thiết yếu. Vì vậy, đối với những trường hợp này cần phải cân nhắc chi phí hợp lý cho người thứ 3 chăm sóc cho bị hại và con của bị hại cũng như những khoản cấp dưỡng hợp lý để đáp ứng những nhu cầu cơ bản nhất của cuộc sống. Điều đó thể hiện tính hợp tình, hợp lý và nhân văn của pháp luật./.
Trần Thị Minh Thư – Phòng 7 VKSND tỉnh Bến Tre