Ngày 01/01/2018, Bộ luật tố tụng hình sự và Bộ luật Hình sự năm 2015 đã được sửa đổi bổ sung năm 2017 có hiệu lực thi hành với quy định chặt chẽ đối với công tác tạm giam và đặt ra hậu quả pháp lý của việc tạm giam không lệnh là rất nghiêm trọng.
Trước những khó khăn, vướng mắc cùng với những kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân, ngày 22/12/2017, Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ trì tổ chức hội nghị triển khai, bàn các biện pháp thực hiện công tác tạm giam theo thủ tục phúc thẩm đối với các bị cáo có kháng cáo, kháng nghị theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.
Quang cảnh Hội nghị
Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo Tòa án nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Tp. Hồ Chí Minh; đại diện Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ Tư pháp; Giám thị Trại tạm giam T.17, Trại tạm giam B.34 cùng với đại diện Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân và Công an (phụ trách công tác giam giữ) của 23 tỉnh, thành phố phía Nam.
Hội nghị nhằm đánh giá những kết quả đã đạt được, tồn tại trong việc thực hiện công tác tạm giam theo thủ tục phúc thẩm, qua đó tìm ra nguyên nhân và đề xuất những giải pháp để góp phần nâng cao hiệu quả công tác, phát huy tinh thần trách nhiệm, hỗ trợ nhau hoàn thành nhiệm vụ chung theo quy định của pháp luật.
Trong quá trình thực hiện công tác tạm giam theo thủ tục phúc thẩm của Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh nhìn chung đều thuận lợi. Hầu hết các vụ án có kháng cáo, kháng nghị được Tòa án cấp sơ thẩm chuyển hồ sơ đầy đủ, đúng hạn theo quy định pháp luật, Lệnh tạm giam đối với các bị cáo vẫn còn thời hạn, tạo điều kiện giúp cho Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh thụ lý ngay và chủ động ra Lệnh tạm giam chuyển về cho các Trại tạm giam đảm bảo thời hạn không xảy ra việc chậm trễ.
Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp bị cáo trong các vụ án có kháng cáo, kháng nghị đã quá hạn tạm giam mà không có Lệnh tạm giam. Tình trạng trên xảy ra do nhiều nguyên nhân xuất phát từ cả cấp sơ thẩm lẫn phúc thẩm. Như hồ sơ có kháng cáo, kháng nghị chuyển đến cấp phúc thẩm chưa đầy đủ thủ tục tố tụng; hồ sơ chuyển đến cấp phúc thẩm chậm hơn so với quy định pháp luật; cấp sơ thẩm chuyển hồ sơ khi thời hạn tạm giam còn một ngày, thậm chí đã hết hạn tạm giam; hồ sơ nhiều bút lục chuyển đến vào chiều ngày cuối tuần, ngày lễ gây khó khăn trong công tác kiểm đếm, thụ lý… đã khiến cho cấp phúc thẩm không thể ra Lệnh tạm giam, chuyển về địa phương bảo đảm đúng quy định pháp luật về thời hạn tạm giam. Đồng thời, Tòa án cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đã nhận trách nhiệm đối với những vi phạm liên quan đến việc ra Lệnh tạm giam mà Viện kiểm sát nhân dân đã kiến nghị.
Hội nghị đã thống nhất những giải pháp hữu hiệu để góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện công tác tạm giam theo thủ tục phúc thẩm. Đối với Tòa án cấp cao sẽ tăng cường tổ chức, thực hiện đúng và đầy đủ quy định pháp luật về công tác tạm giam, chủ động thực hiện nhiệm vụ, không buông lỏng, ỷ lại vào trách nhiệm kiểm sát của Viện kiểm sát. Đối với Tòa án cấp sơ thẩm phải đảm bảo hồ sơ có kháng cáo, kháng nghị đầy đủ thủ tục tố tụng, chuyển hồ sơ đúng thời hạn và hạn chế chuyển hồ sơ vào ngày cuối là ngày thứ 6. Theo đó, Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phối hợp với cơ quan Công an và Viện kiểm sát để thông báo tình trạng đã có Lệnh tạm giam bằng Fax, tránh việc chậm trễ do quá trình chuyển Lệnh và đồng ý thông qua Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh (Phòng 8) để chuyển, thông báo Lệnh tạm giam.
Hội nghị đã diễn ra với tinh thần trách nhiệm và xây dựng, đánh giá đúng những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc đối với công tác tạm giam theo thủ tục phúc thẩm và đưa ra nhiều giải pháp để thực hiện nhiệm vụ đạt kết quả cao hơn nữa.
Hy vọng trong năm 2018 công tác tạm giam theo thủ tục phúc thẩm sẽ không còn hạn chế, thiếu sót, vi phạm đảm bảo thực hiện nghiêm chỉnh Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.
Nguyễn Chiêu – Phòng 8 Viện KSND tỉnh Bến Tre