Chào mừng bạn đã đến với website www.vksbentre.gov.vn của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bến Tre. Chúc bạn có ngày làm việc vui vẻ và thành công !

Trong năm 2020, công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình của Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) hai cấp tỉnh Bến Tre đã có chuyển biến tích cực. Ngay từ đầu năm, trong chương trình công tác, Phòng 9 VKSND tỉnh Bến Tre đã xác định nội dung đột phá năm 2020 là: “Nâng cao số lượng…

Trong năm 2020, công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình của Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) hai cấp tỉnh Bến Tre đã có chuyển biến tích cực. Ngay từ đầu năm, trong chương trình công tác, Phòng 9 VKSND tỉnh Bến Tre đã xác định nội dung đột phá năm 2020 là: “Nâng cao số lượng, chất lượng kháng nghị phúc thẩm so với năm 2019, đặc biệt là kháng nghị phúc thẩm của Viện kiểm sát ngang cấp”, để đảm bảo đạt và vượt mức chỉ tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội và của Ngành.

Qua công tác kiểm sát, VKSND hai cấp đã phát hiện được nhiều vụ, việc có vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng, nội dung trong quá trình giải quyết vụ án như: Vi phạm trong việc giải quyết không hết hoặc giải quyết vượt quá phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự; vi phạm do không đưa đầy đủ những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vào tham gia tố tụng; vi phạm trong việc thu thập chứng cứ, đánh giá chứng cứ không đầy đủ dẫn đến tuyên xử gây thiệt hại cho một bên đương sự; vi phạm trong việc áp dụng pháp luật; không giám định thiệt hại để làm căn cứ bồi thường; vi phạm về thời hạn gửi các thông báo thụ lý, bản án quyết định, chuyển giao hồ sơ cho VKS...

Thông qua công tác kiểm sát, VKSND hai cấp đã ban hành 23 kháng nghị phúc thẩm. Trong đó: Phòng 9: 07 kháng nghị; VKS thành phố Bến Tre: 03 kháng nghị; VKS Châu Thành: 04 kháng nghị; VKS Giồng Trôm: 04 kháng nghị; VKS Ba Tri: 02 kháng nghị; VKS Bình Đại: 01 kháng nghị; VKS Mỏ Cày Bắc: 01 kháng nghị; VKS Thạnh Phú: 01 kháng nghị.

Về số lượng kháng nghị: số kháng nghị phúc của VKS cấp huyện đối với bản án, quyết định của Tòa án ngang cấp là 16 kháng nghị/27 bản án, quyết định sơ thẩm bị tòa án cấp phúc thẩm sửa hoặc hủy do nguyên nhân chủ quan của cấp sơ thẩm, có trách nhiệm của VKS, đạt 59,2% (chỉ tiêu từ 20% trở lên); số kháng nghị phúc của VKS cấp tỉnh đối với bản án, quyết định của Tòa án cấp huyện là 7 kháng nghị/11 vụ án được tòa án cấp tỉnh xét xử theo thủ tục phúc và đã đã tuyên sửa hoặc hủy do nguyên nhân chủ quan của cấp sơ thẩm, có trách nhiệm của VKS, đạt 63,6% (chỉ tiêu từ 20% trở lên).

Về chất lượng kháng nghị, Tòa án cấp phúc thẩm đã giải quyết 14 kháng nghị. Trong đó: VKS tỉnh rút 01 kháng nghị do người kháng cáo rút kháng cáo; chấp nhận kháng nghị 12 vụ, đạt 92,3 %; không chấp nhận kháng nghị 01 vụ, chiếm 7,1%. Để đạt được những kết quả trên, trước hết là sự quan tâm, chỉ đạo cũng như hướng dẫn công tác của Vụ nghiệp vụ, của Lãnh đạo VKSND tỉnh, đặc biệt là đối với công tác kháng nghị là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác kiểm sát hoạt động tư pháp. Cùng với sự quan tâm của các cấp lãnh đạo trong công tác quản lý điều hành thì với sự nỗ lực nghiên cứu, vận dụng các quy định của pháp luật vào thực tiễn công tác kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình của các cán bộ, Kiểm sát viên làm công tác nầy là yếu tố quan trọng góp phần thực hiện tốt, cũng như nâng cao số lượng, chất lượng kháng nghị phúc thẩm.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, còn có những hạn chế như: số lượng kháng nghị của Viện kiểm sát cấp huyện còn ít; một số bản án, quyết định có vi phạm dẫn đến bị cấp phúc thẩm xét xử sửa hoặc hủy nhưng VKS cấp huyện không phát hiện vi phạm để kháng nghị.

Do vậy, để thực hiện tốt công tác kháng nghị trong thời gian tới, lãnh đạo các đơn vị cần tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc các quy chế nghiệp vụ, chỉ thị chuyên đề của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về khâu công tác này đặc biệt Chỉ thị số 10/CT-VKSTC ngày 06/4/2016 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, về tăng cường công tác kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ việc dân sự và Chỉ thị số 04/CT-VKSTC ngày 22/3/2018 về tăng cường các biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật. Triển khai thực hiện một số quy định và hướng dẫn về nghiệp vụ gồm “Quy định về hướng dẫn hoạt động của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa dân sự sơ thẩm” (Ban hành kèm theo Quyết định số 458/QĐ-VKSTC ngày 04/10/2019 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao); Hướng dẫn số 33/HD-VKSTC ngày 18/10/2019 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao: “Hướng dẫn phát hiện vi phạm của bản án, quyết định dân sự, thực hiện thẩm quyền kháng nghị ngang cấp theo thủ tục phúc thẩm nhằm giảm tỷ lệ bản án, quyết định của Tòa án bị Tòa án cấp trên hủy có trách nhiệm của Viện kiểm sát ngang cấp, đồng thời nâng cao tỷ lệ chất lượng kháng nghị phúc thẩm của Viện kiểm sát ngang cấp”.

Tăng cường kháng nghị phúc thẩm, gắn trách nhiệm của Thủ trưởng đơn vị trong việc kháng nghị phúc thẩm các bản án, quyết định của Tòa án cung cấp; hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp bản án, quyết định bị cấp phúc thẩm xét xử sửa, hủy có trách nhiệm của Viện kiểm sát nhưng không được phát hiện để thực hiện quyền kháng nghị.

Trường hợp không còn thời hạn để xem xét, kháng nghị phúc thẩm theo thẩm quyền của Viện kiểm sát cấp sơ thẩm thì phải kịp thời báo cáo Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp để tiếp tục xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, kèm theo hồ sơ kiểm sát và hồ sơ chính (nếu có)./.

Bé Thương – Viện KSND tỉnh Bến Tre